Hết ưu đãi phí trước bạ - Thị trường ô tô Việt Nam sẽ ra sao sau tháng 5?
6 tháng vừa qua, thị trường Việt Nam được hưởng mức hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ của Chính phủ dành cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Chính sách này không chỉ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng mà còn giúp các doanh nghiệp lắp ráp và sản xuất ô tô nội địa bán xe dễ dàng hơn.
Cơ hội cho cả người bán và người mua
Minh chứng cho điều này, có thể thấy doanh số ô tô đã tăng trưởng ra sao trong thời gian mức hỗ trợ lệ phí trước bạ được áp dụng. Theo đó, chỉ tính riêng trong 4 tháng đầu năm 2022, tổng lượng xe các thành viên thuộc Hiệp hội các Nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) bán ra đạt 132.865 chiếc, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, ô tô du lịch tăng tới 47%, đáp ứng nhu cầu khách hàng đối với loại xe này sau thời gian dài Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi COVID-19. Đặc biệt, nếu tính theo xuất xứ, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước tăng 38% trong khi xe nhập khẩu chỉ tăng 22% so với cùng kì năm ngoái.
Mức hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ từ Chính phủ giúp xe lắp ráp trong nước tăng mạnh doanh số nhưng cũng phần nào bị hạn chế tác dụng do khủng hoảng thiếu linh kiện lắp ráp
Việc áp dụng mức hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ của Chính phủ cũng kéo theo việc nhiều hãng xe bắt buộc phải tung các ưu đãi hấp dẫn khác dành cho các sản phẩm ô tô nhập khẩu của mình, chủ yếu liên quan đến phí trước bạ, để thu hút khách hàng dành quan tâm đến những mẫu xe của mình.
"Tuần trăng mật đã hết..."
Thực tế, việc hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ này đã từng được thực hiện thành công vào nửa cuối năm 2020, nhưng lần này có nhiều khác biệt khi thị trường Việt Nam gặp phải nhiều tác động, trong đó nổi bật nhất là việc thiếu linh kiện lắp ráp đã bắt đầu gây tác động thực sự từ đầu năm 2022, khiến cả lượng xe nhập khẩu và lắp ráp trong nước bị ảnh hưởng.
Điều này dẫn đến việc người tiêu dùng Việt Nam bắt đầu gặp phải cơn "khát" ô tô. Tình trạng này kéo theo việc bán xe "bia kèm lạc" liên tục diễn ra, thậm chí nhiều đại lý không còn hàng để bán; dự kiến việc thiếu ô tô mới sẽ còn tiếp tục vì đây vẫn là vấn đề trên toàn cầu, thị trường trong nước vẫn phải chờ đợi thêm mới có thể thực sự thoát khỏi hoàn cảnh này.
Kết thúc tháng 5, sau khi chính sách hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ không còn, thị trường ô tô sẽ trở nên công bằng cho cả các hãng xe lắp ráp ô tô trong nước và các hãng chủ yếu nhập khẩu ô tô từ nước ngoài, cơ hội bán hàng sẽ được chia đều cho tất cả.
Tuy nhiên, thị trường ô tô Việt Nam vẫn được dự đoán sẽ có nhiều diễn biến phức tạp. Đương nhiên, các mẫu xe lắp ráp trong nước sẽ tiếp tục được ưu đãi nhiều hơn do nhiều hãng xe đã không phải tốn thêm nhiều ưu đãi và khuyến mại trong những tháng vừa qua nhờ lệ phí trước bạ.
Trong khi đó, tình trạng thiếu linh kiện lắp ráp được kỳ vọng sẽ được giải quyết phần nào trong khoảng thời gian nửa cuối năm nay. Tuy nhiên, tác động vẫn còn sẽ khiến một số mẫu xe tiếp tục khan hàng và bị bán "kèm lạc", ít nhất trong tháng 6, như: Hyundai Santa Fe, Hyundai Tucson, Hyundai Creta, Ford Explorer, Ford Ranger, Toyota Raize, KIA Seltos...
Quan trọng nhất, thị trường ô tô nhập khẩu sẽ nhộn nhịp với nhiều mẫu xe mới sau thời gian dài gần như "án binh bất động" do xác định chưa thể đánh bại được các mẫu xe lắp ráp trong nước thời gian qua. Trong đó, nhiều mẫu xe đang được hứa hẹn sẽ xuất hiện tại thị trường Việt Nam ngay trong tháng 6 này.
Hiện tại, các thông tin từ thị trường cho thấy một số mẫu xe "hot" sẽ được nâng cấp trong khi cũng có sản phẩm hoàn toàn mới dự kiến sẽ được tung ra trong tháng sau, gồm: Honda HR-V, Isuzu mu-X, Mitsubishi Xpander và Nissan Kicks. Tất cả đều là các mẫu xe nhập khẩu từ khu vực Đông Nam Á - Thái Lan hoặc Indonesia.
Tuy nhiên, có một vấn đề đáng chú ý, chính là lượng nhập khẩu ô tô về Việt Nam đã giảm mạnh trong 4 tháng đầu năm nay, với chỉ 36.989 chiếc đạt tổng giá trị hơn 915 triệu USD, giảm 26,3% về lượng và 19,1% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, lượng xe dưới 9 chỗ ngồi đang chiếm tỷ trọng thấp dần trong tổng số ô tô nhập khẩu qua từng tháng. Một dấu hiệu cho thấy, dù người tiêu dùng Việt Nam có thêm nhiều lựa chọn các mẫu xe hơn nhưng lượng hàng sẽ khó đáp ứng đủ nhu cầu.
Nửa cuối năm nay cũng hứa hẹn sẽ có thêm nhiều mẫu xe điện mới, điển hình như: KIA EV6, VinFast VF 8 và VF 9; cùng với đó, Mercedes cũng tiết lộ sẽ bắt đầu bán xe điện tại Việt Nam từ tháng 10. Tuy nhiên, xe điện vẫn còn tồn đọng nhiều vấn đề và sẽ khó bùng nổ trong thời gian gần tại nước ta; đặc biệt, việc thiếu chip bán dẫn ảnh hưởng rất lớn do xe điện có hàm lượng công nghệ cao và cần nhiều loại linh kiện này để phục vụ cho các tính năng.
Việt Nam hiện đã bước vào thời kỳ hậu COVID-19, đang dần thoát khỏi ảnh hưởng và trở lại các hoạt động như trước khi dịch xảy ra. Chắc chắn nhu cầu mua ô tô sẽ tăng rất mạnh; do tình trạng khan hiếm xe mới còn tiếp diễn, chắc chắn thị trường xe cũ sẽ được nhắm đến như các lựa chọn phù hợp để thay thế, và khiến giá bán của những chiếc ô tô cũ tăng thêm.
Thực tế, điều này đang xảy ra với thị trường Việt Nam, một số mẫu ô tô bị tình trạng "bia kèm lạc" đang được bán lại với giá cao hơn giá niêm yết xe mới. Tình trạng này vốn đã từng xảy ra trước đây đối với các mẫu xe mới ra mắt nhưng không đủ số lượng bán ra, nhưng hiện tại vấn đề này trở lại mạnh mẽ hơn khi tình trạng khan hàng diễn ra liên tục nhiều tháng trở lại đây.
Thị trường ô tô Việt Nam trong thời gian tới sẽ có nhiều diễn biến phức tạp và khó lường, tùy thuộc vào tình hình trên thế giới cũng như khả năng đảm bảo nguồn cung trong nước. Tuy nhiên, nửa cuối năm nay về cơ bản sẽ là khoảng thời gian khó khăn cho người tiêu dùng khi lựa chọn mua ô tô.
tin liên quan
xe mới về
-
Nissan X trail 2.0 2WD Premium 2018
519 triệu
-
Mazda 6 Premium 2.0 AT 2020
655 triệu
-
Mazda CX5 Premium 2.0 AT 2022
785 triệu
-
Chevrolet Spark Lite Van 0.8 MT 2015
99 triệu
-
Mazda CX3 Deluxe 1.5 AT 2021
505 triệu
-
Kia Sonet Premium 1.5 AT 2024
609 triệu