Tình hình thị trường ô tô Việt Nam năm 2021
Ngành xe Việt Nam một năm qua chứng kiến nhiều biến động vì đại dịch, rõ rệt nhất là sức mua bán giảm, đồng thời là cơ sở để chính phủ ban hành những quyết sách liên quan. Cùng điểm lại 5 điểm nhấn quan trọng của thị trường ôtô trong nước 2021:
Doanh số ảm đạm
Những ngày cuối tháng 6, hàng chục showroom ôtô tại TP HCM và các tỉnh, thành phía nam đóng cửa theo yêu cầu chống dịch của chính quyền địa phương. Sau đó, Hà Nội cũng rơi vào cảnh tương tự. Các hoạt động đăng kiểm, đăng ký, hải quan cũng tương tự, khiến hoạt động kinh doanh ôtô đóng băng.
Một đại lý Mazda ở TP HCM treo biển đóng cửa tạm thời, hôm 26/6. Ảnh: Thành Nhạn
Nhu cầu suy giảm cộng thêm giãn cách xã hội kéo dài khiến doanh số thị trường ôtô xuống thấp. Tháng 8, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) bán 7.714 xe, mức thấp nhất trong vòng 7 năm qua.
Thị trường ảm đạm cũng khiến giá xe liên tục được ưu đãi từ hãng lẫn đại lý. Nhân viên bán xe chuyển sang tiếp cận khách hàng trực tuyến. Nhiều người trong số họ chật vật xoay trở trước khó khăn chung. Riêng các hãng xe, dịch Covid-19 buộc họ chuyển sang giới thiệu xe mới online. Triển lãm ôtô lớn nhất Việt Nam 2021 cũng phải huỷ bỏ.
Vaccine được phủ rộng, giãn cách xã hội nghiêm ngặt được gỡ bỏ từ đầu tháng 10 giúp các hoạt động kinh tế, trong đó có kinh doanh ôtô được nối lại. Từ tháng 9, nhu cầu sắm xe hơi tăng trở lại. Tháng 11 vừa qua, thị trường ghi nhận mức bán hàng cao nhất từ đầu năm. Doanh số cộng dồn từ đầu 2021 giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các hãng cũng hâm nóng thị trường, chuẩn bị cho mùa bán hàng cận Tết bằng hàng loạt sản phẩm mới ra mắt trong quý cuối 2021. Thị trường ôtô sau hơn nửa năm suy giảm, dần lấy lại nhịp tăng trưởng ở đoạn cuối.
Nghị định 103 - xe lắp ráp lại hưởng lợi, xe nhập gặp khó
Tương tự 2020, Chính phủ sau nhiều tháng cân nhắc, đưa ra quyết định giảm lệ phí trước bạ cho xe lắp ráp, sản xuất trong nước (CKD) bằng Nghị định 103. Hiệu lực thi hành từ tháng 12 đến hết tháng 5/2022.
Lượng khách đông đúc tại một đại lý Honda ở Hà Nội hôm 28/11, hai ngày sau khi Nghị định 103 được ban hành. Ảnh: Bùi Thủy
Tác động của chính sách gần như ngay lập tức lên thị trường, phản ánh bằng lượng khách đến showroom tăng đột biến từ cuối tháng 11 hay quá tải ở các điểm đăng ký xe mới sau thời gian mua xe chờ hưởng ưu đãi lệ phí trước bạ. Tuy vậy, giá xe cũng được các hãng, đại lý điều chỉnh theo hướng giảm ưu đãi để cân đối lại lợi nhuận, bù vào khoản thất thu do ảnh hưởng của giãn cách xã hội.
Nghị định 103 như một cú hích cho thị trường, hứa hẹn đưa doanh số tháng 12 vượt qua mức đỉnh vừa lập vào tháng 11. Các hãng có xe lắp ráp được hưởng lợi và ở chiều ngược lại, các hãng nhập khẩu (CBU) bày tỏ sự bất bình bằng các công văn gửi lên Chính phủ. Ở vào tình thế không thể thay đổi khi chính sách đã được đưa ra, các hãng nhập gia tăng ưu đãi, giảm giá để cạnh tranh với xe CKD.
Bùng nổ xe cỡ nhỏ CUV đô thị
Trong 2021, không một phân khúc nào sôi động hơn nhóm xe đô thị cỡ nhỏ, từ A+ đến C-. Các hãng xe liên tiếp giới thiệu các sản phẩm mới ở phân khúc này, tạo ra sự đa dạng lựa chọn cho khách hàng.
Toyota Raize, tân binh phân khúc CUV cỡ nhỏ tại Việt Nam, lăn bánh ở Hà Nội. Ảnh: Minh Quân
Sau thành công của Corolla Cross, Toyota mang về chiếc Raize để cạnh tranh với đối thủ Kia Sonet, một tân binh (hạng A+) của thị trường trong 2021. Trước Sonet, Kia đã có Seltos ở phân khúc CUV cỡ B. Hãng này cũng hé lộ kế hoạch bán Kia Sportage, chiếc CUV cỡ C trong 2022.
Mazda trong năm vừa qua giới thiệu bộ đôi CX-3 và CX-30 nhập khẩu Thái Lan, lần lượt ở hai phân khúc B và C-. Cộng thêm sự xuất hiện của VinFast VF e34, phân khúc CUV cỡ nhỏ hiện có hơn 10 mẫu xe cạnh tranh nhau, khoảng giá nối tiếp 600-900 triệu đồng.
Thị trường ôtô điện bắt đầu thành hình
Hôm 25/12 tại nhà máy ở Hải Phòng, VinFast giao những chiếc xe điện thương mại VF e34 đầu tiên cho khách hàng trong nước. Sự kiện đánh dấu bước đi tiên phong của hãng Việt ở lĩnh vực xe điện phổ thông tại Việt Nam.
Những mẫu VF e34 đầu tiên lăn bánh khỏi dây chuyển ở nhà máy VinFast tại Hải Phòng, hôm 25/12. Ảnh: Đoàn Dũng
Thị trường xe điện trong nước hiện ở giai đoạn khởi phát với VinFast là hãng "nhanh chân" nhất nhưng không phải duy nhất. Volkswagen, Mercedes đều xác nhận sẽ bán xe điện trong tương lai gần tại thị trường Việt Nam. Với Volkswagen là kế hoạch đưa xe điện (chưa xác đinh mẫu nào) về nước trong 2023, trong khi Mercedes giới thiệu EQS cho khách Việt trong sự kiện trực tuyến hồi tháng 11.
Thaco cũng công bố kế hoạch bán xe điện Kia EV6 vào cuối 2022. Trước tất cả, Porsche đã giao những chiếc Taycan chạy điện đến tay khách Việt từ cuối 2020. Hãng xe Trung Quốc Chery sắp gia nhập thị trường Việt Nam và xe điện nằm trong lộ trình kinh doanh của hãng này.
Xe nhập khẩu ồ ạt về nước
Dù định hướng ưu tiên lắp ráp xe hơi trong nước được thể hiện rõ qua các chính sách, với nhiều hãng, nhập khẩu xe vẫn chiếm tỷ trọng không nhỏ trong cơ cấu kinh doanh tại Việt Nam. Tính đến hết tháng 11, lượng xe nhập khẩu về nước đạt 144.971 chiếc, tăng 56,7% so với cùng kỳ 2020. Riêng ôtô 9 chỗ trở xuống đạt 101.193 chiếc, tăng 47,9%.
(Theo Vnexpress)
tin liên quan
xe mới về
-
Nissan X trail 2.0 2WD Premium 2018
519 triệu
-
Mazda 6 Premium 2.0 AT 2020
655 triệu
-
Mazda CX5 Premium 2.0 AT 2022
785 triệu
-
Chevrolet Spark Lite Van 0.8 MT 2015
99 triệu
-
Mazda CX3 Deluxe 1.5 AT 2021
505 triệu
-
Kia Sonet Premium 1.5 AT 2024
609 triệu